Ứng dụng kỹ thuật chiết xuất bằng Carbonic siêu tới hạn đã tạo ra một chế phẩm dầu gấc giàu các chất chống oxi hóa không chứa dung môi hữu cơ độc hại, là nội dung Đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Khoa Công nghệ Thực phẩm, trường Đại học Nông lâm TP.Hồ Chí Minh do TS Phan Tại Huân làm chủ nhiệm.
Việc ứng dụng công nghệ này trong công nghiệp với qui mô lớn hơn sẽ mở ra một hướng mới trong việc đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, tạo điều kiện cho phát triển cây gấc cho một số vùng nông thôn Việt Nam.
Thiết bị dùng trong công nghệ chiết xuất dầu gấc (ảnh: vpct.gov.vn)
Ứng dụng kỹ thuật mới
Theo TS Phan Tại Huân, quả gấc của Việt Nam là một trong những nguồn nguyên liệu giàu hợp chất chống oxy tự nhiên nhất. Do vậy có rất đối tác ở các nước tiên tiến nhập khẩu dầu gấc thô của Việt Nam sau đó tiếp tục tinh chế để thu các sản phẩm có hàm lượng các chất chống oxy hóa cao, với giá trị cao hơn gấp nhiều lần.
Ở Việt Nam hiện nay, đã có nhiều đơn vị sản xuất dầu gấc bằng phương pháp trích ép nhưng sản phẩm chỉ đáp ứng một phần nhỏ trong thị trường thực phẩm chức năng. Hàm lượng các hoạt chất có hoạt tính sinh học trong dầu gấc theo phương pháp sản xuất hiện nay còn quá thấp để áp dụng vào công thức phối chế đặc trị trong các thực phẩm, dược phẩm khác, hoặc ứng dụng trực tiếp vào sản phẩm mỹ phẩm cao cấp.
Với mục tiêu sản xuất được chế phẩm giàu các hợp chất có hoạt tính sinh học cao, từ nguồn nguyên liệu đặc trưng của Việt Nam làm thực phẩm chức năng để tăng cường sức khỏe và hỗ trợ điều trị bệnh, TS.Phan Tại Huân và các công sự đã quyết định sử dụng công nghệ chiết xuất bằng carbonic siêu tới hạn. Đây là công nghệ đã được nhiều nước sử dụng trong sản xuất các sản phẩm tinh dầu và hương liệu tự nhiên, các sản phẩm chất béo giàu hàm lượng DHA và EPA để ứng dụng trong các ngành công nghiệp thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm.
TS Phan Tại Huân cho biết, trích ly bằng phương pháp Carbonic siêu tới hạn là một trong những kỹ thuật trích ly tiên tiến hiện nay trên thế giới, đã được thương mại hóa cho các sản phẩm tự nhiên có hoạt tính sinh học cao. Kỹ thuật này sử dụng Carbonic ở áp suất cao và nhiệt độ vừa phải để trích ly nên các hợp chất có hoạt tính sinh học cao, sẽ không bị phân hủy. Sự thay đổi áp suất và nhiệt độ sẽ làm thay đổi tính chọn lọc các chất hòa tan nhờ đó có thể phân đoạn sản phẩm ly trích ở các nồng độ cao thấp khác nhau. “Carbonic sau khi trích sẽ hoàn toàn tách ra ở dạng khí sau khi giảm áp nên sản phẩm có thể được coi là 100% sạch không dung môi độc hại, đem lại giá trị sử dụng và giá trị thương mại rất cao cho sản phẩm. Vì vậy, chiết xuất bằng Carbonic siêu tới hạn là một kỹ thuật thích hợp để trích phân đoạn dầu gấc giàu các hợp chất có hoạt tính sinh học và độ tinh sạch cao”, TS Huân khẳng định.
Triển vọng phát triển
Tại Việt Nam, công nghệ này đã được sử dụng trong việc chiết xuất tinh dầu tràm và tràm hương nhưng chưa từng được ứng dụng trong kỹ thuật chiết xuất dầu gấc. Việc mạnh dạn ứng dụng công nghệ này đã cho kết quả khả quan, đó là đã thu hồi được dầu gấc có hàm lượng vi chất cao hơn nhiều lần so với công nghệ truyền thống là ép cơ học hoặc trích ly bằng dung môi hữu cơ.
Sản phẩm của đề tài đã tạo ra một chế phẩm dầu gấc giàu các chất chống oxi hóa không chứa dung môi hữu cơ độc hại. Đây không chỉ là định hướng cho các nhà sản xuất vận dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao giá trị nguồn thực phẩm, dược phẩm trong nước mà còn góp phần quảng bá về trái gấc với công nghệ trích ly sạch xanh nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, t rong quá trình nghiên cứu, nhóm đã xây dựng được quy trình xử lý nguyên liệu thích hợp và xác định được chế độ công nghệ tối ưu như áp suất, nhiệt độ, tốc độ dòng…, đảm bảo cho dầu gấc thu được có hàm lượng các chất vi lượng cao nhất, có tác dụng chống oxy hóa cao, tăng khả năng miễn dịch, sức đề kháng cho cơ thể.
“Hiện nay, trên thế giới đã và đang phát triển các công nghệ xanh sạch dùng để trích ly các hợp chất có nguồn gốc tự nhiên. Nếu chúng ta có thể đón đầu công nghệ, áp dụng kỹ thuật trích ly bằng Carbonic siêu tới hạn vào việc khai thác nguồn nguyên liệu quý trong nước, các loại thực vật đặc trưng ở Việt Nam thì có thể sản xuất nhiều sản phẩm có giá trị sinh học cao mang lại lợi ích cho sức khỏe con người, không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn cho xuất khẩu trong lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm và hóa mỹ phẩm cao cấp”, TS Huân nhấn mạnh./.
(Theo TTXVN)